ó những lá bài đồng giá trị như 4 đầm, 3 bồi, 2 già... đi chung với nhau và sự đi chung này báo hiệu nhiều điều quan hệ. 4 lá 7 (đứng) tiên liệu những mưu mô của kẻ thù, hoặc sự thất bại của họ (lộn ngược). 3 lá bẩy dầu đứng hay ngược cũng xấu. 2 lá 7 thì khá, nếu đứng thì bạn lập thêm"phòng nhì", còn ngược thì liệu hồn, tình ái sẽ làm bạn điêu đứng.
Điều làm Văn Bình ngạc nhiên là lưỡi dao chỉ xé màn không khí cách tai chàng hơn hai gang tay. Chàng thay đổi vị trí nhanh như điện xẹt nên thích khách khó thể phóng trúng người chàng, tuy nhiên cộng sự viên của Antôn cũng khó thể trật mục phiêu đến hai gang tay như vậy.
Chỉ có 2 lý do để giải thích. Thứ nhất, thích khách núp trong bóng tối quá tồi về môn ném dao lén lút. Thứ hai, hắn cố tình búng ra ngoài.
Quốc Tế Tình Báo sở có thể được coi là cơ quan gián điệp nghiệt ngã nhất trên thế giới trong việc gửi nhân viên ra nước ngoài hoạt động. Nhất là tới các quốc gia phương Tây. vấn đề cổ cách, tình cảm riêng tư ít được đặt ra, trưởng ban, chánh sở, giám đốc cũng vị tất có quyền đề nghị quyết định, ứng viên phải ra trước một ủy ban riêng, gồm nhiều nhân viên cao cấp, và hồ sơ cá nhân của ứng viên được mổ xẻ từng li từng tí, thiết tưởng soi bằng kiếng hiển vi của nhà vi trùng học cũng chỉ chu đáo đến thế là cùng. Ngoài các tiêu chuẩn căn bản như mức độ trung thành, mức độ nghề nghiệp, một tiêu chuẩn khác đã được đề cao: mức độ võ thuật. Nếu không giỏi võ thì đừng hòng qua khỏi kỳ tuyển loại, chứ đừng nói được vào "chung kết" nữa. Danh từ "giỏi võ" trong Tình Báo Sở không có nghĩa là tốt nghiệp trung đẳng Thiếu Lâm, hoặc thắt đai huyền đen nhu đạo. Mà phải là am tường mọi phương pháp giết người chớp nhoáng, giết người không dùng đến khí giới, và giết người không lưu lại dấu vết. Hầu hết điệp viên hoạt động hải ngoại đều bắn súng, phóng dao cừ khôi. Không được cừ khôi như cặp bài trùng Kiang-Nêmin (1) thì cũng không đến nỗi chịu thua những tay bắn súng, phóng dao cừ khôi trong MI-6 và C.I.A..
Vì vậy lưỡi dao phóng trật mục phiêu hơn hai gang tay này chỉ là một đòn gió. Bọn Antôn thừa biết ám sát chàng không dễ nào. Cho dẫu họ có thể hại chàng, họ cũng chưa dám. Chàng đã nắm được con tẩy của Antôn. Báu vật go-do-chong-giom hiện đang nằm trong tay Mai Lăng. Mà Antôn lại chưa khám phá ra nơi Mai Lăng ẩn náu. Bắt buộc Antôn phải để cho chàng sống.
Tương kế, tựu kế, chàng bèn kêu to:
Ai phóng dao.
Chàng nghe tiếng giày lộp cộp. Tiếng lộp cộp chát chúa này từ phía sau gốc cây hạt dẻ to lớn, cành lá xum xuê ở xế cổng ngôi nhà mang số 13 vọng lại. Phàm làm nghề thích khách, không ai dại dột mang giày đế cứng. Trước đây, người ta dận giày đế cao-su hoặc đế cờ-rếp cho được êm ái. Gần đây xuất hiện một kiểu giày, gọi là giày Con Ó Thể Thao (2) vừa nhẹ lại vừa đẹp, có thể dùng trên sân vận động và luôn cả trong thành phố. Giới đi khuya về tối không thể không nghe nói đến giày con ó. Văn Bình có cảm tưởng là đàn em của Antôn cố ý tạo ra tiếng động trong đêm để chàng tiện theo sau.
Văn Bình nhìn thấy một bóng đen to lớn chạy bán sống bán chết ra đầu hẻm. Lẽ ra chàng mặc hắn. Chàng không tin là bóng đen này được dùng làm mồi nhử chàng đến một nơi vắng vẻ hầu làm thịt. Antôn và công ty đã biết chàng quá rõ. Antôn từng lấy thịt đè người và đã thất bại ê chề. Thế tất bóng đen chạy lộp cộp này được Antôn sai đến với một mục đích khác.
Văn Bình cười mỉm một mình. Mục đích của Antôn là ru ngủ chàng. Đúng là tấn tuồng cũ rích "thả con săn sắt bắt con cá rô". Đã thế, chàng sẽ giả vờ bị mắc hợm...
Chàng rượt theo bóng đen. Chàng đoán không sai, bóng đen mới chạy được giữa đường, chưa kịp quẹo vào một hẻm nhỏ tối om bên trái, đã trượt chân, chổng bốn vó lên trời. Văn Bình tóm cổ nạn nhân, dựng dậy rồi xô hắn ngã chúi vào lỗ ống cống. Nạn nhân cân nặng hơn 90 ký, bộ vó trông khá đồ sộ, song Văn Bình đã quật té dễ dàng. Có lẽ hắn được cấp trên ra lệnh không được kháng cự. Phần khác, cũng vì sức đẩy của Văn Bình quá mạnh mẽ và quá đột ngột.
Chàng chờ nạn nhân lộp ngóp bò dậy mới đá phóc giữa ngực. Hắn chỉ hự được một tiếng rồi nằm vạ luôn trên vỉa hè lồi lõm. Nạn nhân nằm vạ thực sự, chứ không phải đòn phép với chàng. Ngọn cước vào ngực được tung ra hết sức nhẹ nhàng song cũng đã làm hắn lọi xương sườn. Một lần nữa, chàng lại lôi hắn dậy. Hắn chắp hai tay, năn nỉ:
Tôi chết mất, ông ơi!
Văn Bình dí đầu ngón tay vào má nạn nhân:
Chưa chết đâu. Vài ba atémi nữa mới chết. Antôn sai anh phóng dao giết tôi phải không?
Thưa phải.
Ngoài anh ra còn ai nữa không?
Thưa không. Chỉ có mình em mai phục trong hẻm. Bạn em đậu xe chờ bên ngoài.
Mấy xe?
Có một.
Trong xe có mấy người?
Cũng có một.
Văn Bình bẹo má nạn nhân:
Đứng lên, dẫn tôi ra xe.
Nạn nhân dẫy nẩy:
Thưa ông... ông cứ đi thẳng ra đầu hẻm là thấy. Cái Mét-xê-đét đua 300 SL đời mới, sơn trắng. Em ra ngoài ấy với ông, thượng cấp sẽ cho em xuống chầu ông bà ông vải.
Văn Bình muốn cười mũi "thôi, chú em, mầu mè làm gì nữa, chú em đóng trò giỏi giang như thế này chắc chắn xếp sòng Antôn sẽ gắn mề đay chiến sĩ hành động hải ngoại cho chú..." nhưng chàng vẫn nghiêm nghị quát nhỏ:
Mày có chịu nghe lời không?
Nạn nhân thở dài:
Vâng. Đằng nào em cũng kẹt. Em xin nghe lời ông.
Nạn nhân khập khiễng dẫn đường. Hai người đi men dưới mái hiên rộng đầy bóng tối. Nạn nhân cố bước thật nhẹ song vẫn gây tiếng động. Trừ phi đồng lõa của hắn mắc bệnh lãng tai - hoặc đang tò tí với em bé thơm như múi mít trong xe hơi - mới không nghe tiếng.
Quốc Tế Tình Báo sở của ông già Mao lẩm cẩm quả là cơ quan "chịu chơi" có hạng, nhân viên xê dịch toàn bằng Mẹt-xê-đét sang trọng. Nhân viên C.I.A. nổi danh là con nhà giàu, chuyên xài xe hơi đắt tiền nhưng ở Giơneo cũng chưa dám mó tới 300 SL, kiểu đua, và là kiểu đua sơn trắng. Dùng xe màu trắng toát như da dẻ con gái sẽ là Phản Gián Thụy Sĩ để ý. Dường như Antôn cố tình coi thiên hạ bằng nửa con mắt.
Ánh đèn đường không sáng, tuy vậy Văn Bình vẫn thấy rõ ràng nhờ ánh trăng khá sáng. Trời... bên kia là hồ Lê- man, gíó thổi phất phơ, lá thông reo vi vu, hơi tuyết trên đỉnh núi Bạch Sơn cao vòi vọi hòa trộn trong không khí tinh khiết của đêm khuya tịch mịch, cảnh trí nên thơ này được thêm nàng Trăng chiếu cố nữa thì trên cõi đất khó thể có cái gì nên thơ bằng...
Văn Bình đứng sững mấy giây đồng hồ... Đứng sững vì trời trăng đẹp không thể tả được. Đứng sững, cũng vì chiếc Mét-xê-đét ngon quá. Antôn đã nghiên cứu kỹ lưỡng những yếu điểm của chàng. Chắc Bắc Kinh đã gửi cho hắn xấp hồ sơ cá nhân dầy cộm về điệp viên Văn Bình z.28 của sở Mật Vụ Việt Nam.
Trong những năm gần đây, kỹ nghệ xe đua thế giới đã xỏ đôi hia bẩy dặm, riêng tại Nhật, nhiều tiến bộ nhảy vọt đã làm giới mê say tốc độ lác sệt mắt. Do đó ngôi vị đàn anh của Đức với xe Mercedes (và Porsche) đã bị lung lay. Phản công lại, kỹ nghệ Đức bèn đưa ra những phát minh tuyệt diệu. Văn Bình ưa phóng nhanh, nên cần thắng tốt. Thắng dĩa của xe 300 SL tốt kinh khủng; đang vèo vèo như hỏa tiễn chỉ đạp nhẹ bàn thắng là xe 300 SL khựng lại êm ru. Antôn đang dùng xe 300 SL để lừa chàng vào xiếc đây...
Văn Bình ra lệnh:
Chú em kêu hắn lại đây.
Nạn nhân nhăn nhó:
Dễ quá ông ơi, ông đừng bắt em chường mặt ra nữa. Thằng bạn em ngồi sau vô lăng, sét đánh bên tai cũng vị tất hắn nghe tiếng, huống hồ tiếng kêu yếu ớt của em.
Hừ... hắn không có tai?
Hắn có tai cũng như không. Giờ này hắn đang hút cần sa. Loại xì-gà cần sa này được tẩm thuốc phiện, con voi nặng hàng tấn mà hít một hơi khói cũng lăn chiêng... ông ơi, hắn hút điếu này là điếu thứ hai. Em không dám nói dối ông đâu. Em chỉ xin ông một điều: ông đừng giết hắn, tội nghiệp. Hắn cũng như em, chỉ là tai sai hạng bét.
Văn Bình day cổ áo hắn và nói:
Vù đi cho được việc. Lần này tao tha cho, lần sau thì đừng trách tao ác.
Không thèm quan tâm đến gã đàn em vai u thịt bắp của Antôn lủi biến vào bóng tối của những cây hạt dẻ cao lớn. Văn Bình ung dung tiến đến hông xe Mét-xê-đét. Mùi thuốc lá thơm ngát thoảng vào mũi chàng, nếu trời lặng gió, mùi thơm này còn đậm đà hơn nhiều. Đúng là thuốc lá cần sa pha nhựa nha phiến.
Cách cửa xe phía có vô-lăng một bước, Văn Bình đứng lại. Một gã đàn ông gầy guộc đang tựa đầu, mắt lim dim, điếu xì-gà gộc vắt vẻo trên cặp môi mỏng tanh. Hắn cũng cao nhẵng như chàng "sếu vườn" Lê Diệp của sở Mật Vụ, nhưng Lê Diệp có duyên, vẻ mặt lại phúc hậu hơn hắn nhiều. Cuộc đời có lắm chuyện trớ trêu: nhiều người gặp ai là tạo được cảm tình nồng hậu, và nhiều người thấy mặt là ghét, ghét cay ghét đắng hơn cả V1 ghét cay ghét đắng V2 nữa...
Cái mặt hình tam giác với khúc xương lưỡng quyền nhô ra cũng nhọn hoắt của gã đàn ông ngồi sau vô-lăng bỗng dưng làm Văn Bình sôi lên. Chàng tì tay vào cửa xe, lớn tiếng:
Xuống mau.
Gã đàn ông gày guộc choàng dậy. Quả hắn đang tơ lơ mơ trong khói thuốc thiên đường. Hắn chưa kịp phản ứng thì Văn Bình đã kéo cao cửa xe - cửa xe 300 SL kéo từ dưới lên trên nửa mui, chứ không mở ra như cửa các kiểu xe khác - túm tóc hắn, hất ra sau. Mái tóc của hắn khá dài và quăn vù lên như tóc mọi Phi Châu, được chải bết bi-ăn-tin khá trơn tru, đã bị Văn Bình giựt mất một mảng. Hắn vập mặt xuống vỉa hè, hai tay và hai chân duỗi ra như bị đóng đinh trên thập tự giá. Văn Bình đợi một phút xem hắn có kêu cứu hoặc rên la gì không. Tuyệt không, hắn bị đánh đòn thù nên đã hoàn toàn bất tỉnh.
Thường lệ, Văn Bình thấy xe tốt như mèo thấy mỡ. Xe 300 SL lại là miếng mỡ béo ngậy đối với điệp viên... mèo z.28. Cái vô-lăng được bọc cao-su an toàn, vừa vặn, cần sang số ngay trong tầm tay, thân xe dài, rộng và thấp, chàng ấn ga nhẹ là 200 mã lực chồm dậy, ngốn đường nhanh hơn cả máy toán điện tử ngốn con số. Nhưng lần này, đứng trước chiếc xe ngon lành mà chàng sắp làm chủ chàng lại dè dặt. Chàng nghiên cứu, quan sát đàng hoàng trước khi nhớm ga. Chàng biết chắc Antôn không gài bom trong xe. Hắn chưa đoạt được báu vật go-do- chong-giom hắn còn để cho chàng hút thở dưỡng khí Thụy Sĩ. sở dĩ chàng thận trọng là vì chàng cần khám phá ra vị trí của máy ghi âm và phát tuyến do Antôn gắn lén.
Những dụng cụ điện tử này sẽ ngầm báo cho Antôn biết đêm nay Văn Bình đi đâu. Và trong khi chiếc Mét-xê-đét chạy bon bon, đàn em của Antôn, và có thể cả Antôn bằng xương bằng thịt nữa, chờ sẵn trong nhiều chiếc xe ở phía sau hoặc phía trước, bám sát chàng từng phút, từng giây....
Văn Bình đã ra đến bờ hồ. Xe cộ thưa thớt, dân chúng đã đi ngủ sớm đã đành, ngay cả du khách cũng trốn đâu hết. Văn Bình sực nhớ ra đêm nay trời trăng rất đẹp, đối với con người lai láng tình cảm thì đây là cơ hội dạo chơi, nhưng dạo chơi trong công viên, dạo chơi trên mặt hồ không thích thú bằng dạo chơi trong mộng... trong căn phòng
Bờ hồ Lê-man không giống bờ hồ nào ở quê nhà. Lại càng không giống với bờ hồ Gươm, nơi chàng gặp Phù Dung mười mấy năm trước. Hồ Gươm chỉ bách bộ vòng quanh một lát là hết, còn hồ Lê-man thì phải mất một ngày bằng thuyền máy. Khách từ xa đến thường viếng hồ trong một vài giờ đồng hồ, thời gian vừa đủ để làm quen với một phần nhỏ được gọi là Petit Lac ( Hồ nhỏ). Văn Bình bỗng liên tưởng đến hồ Gươm có lẽ hồ này cũng mang tên tiếng Pháp là Petit Lac.
Hôm ấy, tiết trời ở Hà Nội đã chuyển sang thu. Mùa thu ở cố đô Thăng Long, nhất là ở ven hồ, thường là dịp nam nữ gặp nhau, quen nhau và yêu nhau. Vì ban ngày rất ít nắng, gió gợn sóng lăn tăn, những chiếc lá vàng lười biếng rớt xuống dãy ghế đá. Ban đêm, gió thổi nhiều hơn, song chỉ tạo ra cảm giác teng teng chứ không lạnh rét. Phù Dung từ cầu Thê Húc đi ra, quẹo tay phải để xuống nơi bán hoa thì thanh niên Văn Bình hối hả bước tới.
Chẳng hiểu do nàng cố ý hay do chàng vô ý, chàng đụng vai nàng, làm cái xắc da tuột khỏi tay nàng văng xuống đất, tiền bạc và giấy tờ rớt ra tung tóe. Chàng vội xin lỗi rối rít rồi cúi lượm nhặt. Nàng cũng cúi xuống giúp chàng thu lượm.
Tay nàng chạm tay chàng. Chao ôi, da tay nàng mát rợi làm Văn Bình đê mê! Chàng muốn rút lại mà không được. Khi ấy chàng bị ngựời đẹp thu hồn, chàng nói không ra hơi. Chàng không còn nhớ gì nữa, chỉ nhớ mang máng là nàng mời chàng ngồi lên ghế đá dưới cây đa um tùm, đối diện nhà Bưu Điện. Nàng gợi chuyện và chàng được biết tên nàng là Phù Dung. Phù Dung là một loại cây có hoa cao hơn thược dược, hoa ba màu đỏ, trắng, vàng, nở trên những chiếc lá lớn xòe rộng trông rất đẹp, nhưng nở buổi sáng thì tàn buổi tối. Sắc đẹp phụ nữ cũng sáng nở tối tàn như hoa phù dung.
Tự dưng hai câu thơ trong Kiều hiện lên trong trí chàng:
"Bạc tình nổi tiếng lầu xanh
Một tay chôn biết mẩy cành phù dung."
Phù Dung có nhiều kinh nghiệm, có trái tim bọc thép như vậy mà bị Mai Lăng xỏ mũi kéo đi kể cũng lạ. Chắc Mai Lăng phải chiếm giải khôi nguyên về đẹp trai. Văn Bình chưa giáp mặt hắn, song căn cứ vào tấm hình mầu của hắn treo trong phòng ngủ thì mức độ khôi ngô còn thua xa Hồng Lang (3). Dĩ nhiên, thân hình hắn cao to, nở nang, mắt sáng, miệng tươi, răng đều, vai tròn nhưng trên thế giới hạn đàn ông như hắn có thể tìm thấy hàng triệu.
Văn Bình có cảm tưởng Phù Dung si mê hắn vì duyên thầm. Sự lôi cuốn này, máy hình không chụp được vào phim nhựa, nhưng đã tỏa rộng như hào quang...
Văn Bình rẽ vào một con đường tối và giảm tốc độ. Chàng phải từ giã chiếc Mét-xê-đét chạy nhanh như tên đạn xuyên lục địa này thật uổng. Nhưng vì lý do an ninh chàng không thể chần chừ thêm nữa.
Chàng vẫn để máy nổ, mở cửa nhảy xuống. Chàng hy vọng một cặp trai gái híp-py nào tạt qua, nghe động cơ rì rầm mà không thấy người và trèo lên lái một vòng quanh thành phố. Giơneo là thị trấn quốc tế, tất không hiếm híp-py khoái "cầm nhầm" xe hơi của thiên hạ. Vả lại, không riêng gì híp-Pyongyang, bất cứ ai đối diện chiếc 300 SL cũng rệu đầy nước miếng, và phải là thánh sống hoặc ít ra là... chánh án đệ nhất thanh liêm mới không sang số, vù một mạch để tận hưởng tốc độ thần tiên.
Văn Bình khỏi cần đi xa. Chàng đậu xe dưới một cây hạt dẻ. Cách thân cây độ 50 mét có một cái hẻm nhỏ dẫn ra bến xe tắc-xi. Giơneo là thiên đường của các phương tiện chuyên chở công cộng, ở đâu, người ta cũng thấy xe buýt và tàu điện và giá tiền khá rẻ. Tắc-xi cũng đông nhan nhan, nhấc điện thoại lên là kêu được ngay. Nếu không, phải đến bến. Và bến tắc-xi có xe đợi đàng hoàng chứ không như Sàigòn... chỉ có tấm bảng mà không có xe.
Văn Bình chọn cái tắc-xi mới nhất buông phịch xuống nệm, rồi rút Salem ra hút. Antôn đinh ninh lừa được chàng. Không dè hắn lại bị chàng lừa đau điếng. Mấy phút nữa, nếu chiếc Mẹt-xê-đét còn đậu nguyên dưới cây hạt dẻ, chưa được dân tóc dài chiếu cố. Antôn sẽ phăng ra là bị lỡm. Nhưng khi ấy đã quá muộn....
Văn Bình thay đổi tắc-xi một lần nữa trước khi đến nhà Mai Lăng.
Hắn có phòng thuê tháng tại khách sạn nhưng theo lời Phù Dung hắn còn một cái tổ bé nhỏ mà ấm cúng gần khu nhà thờ thánh Pio. Văn Bình tìm ra không mấy khó khăn. Mặc dầu ánh đèn đường quá yếu. Mặc dầu con đường hắn trú ngụ gồm toàn những căn nhà mà bảng số phía trước đã mờ nhạt hoặc rớt tuốt đâu mất.
Con đường này khá đẹp. Tương tự những con đường ngắn nhỏ giữa đại lộ Công Lý và Trương Minh Giảng ở Sàigòn. Khá đẹp, với hai hàng cây thẳng tắp, thân trơn và trắng, ánh trăng chiếu xuống huyền ảo nhược qua kính lọc ánh sáng đặc biệt của máy chụp hình. Tồ quỷ của Mai Lăng là một căn phòng trên lầu 3, lầu cao nhất của một cao ốc cổ xưa tọa lạc ở cuối đường. Văn Bình xuống xe ở xa rồi đi bộ lại.
Chàng quan sát cao ốc bằng đuôi mắt. Nó không khác nhiều bin-đinh ở Sàigòn được biến thành nhà cho thuê, nghĩa là có cửa ra vào phía trước với cái quầy gỗ và người gác thường trực. Tuy nhiên, nó không có mái bằng hoặc mái lợp ngói đỏ chót. Người yêu đời nhất cũng sinh ra bi quan trước mái nhà thâm sì như môi ông già nghiện oặt. Những cột ống sưởi từ mái nhà đâm lên, có vẻ lạc lõng và ngơ ngác. Và đều làm Văn Bình nghèn nghẹn ở cuống họng là những tầng lầu không bao lơn, những cửa sổ không ô-văng khiến chàng có cảm tưởng đang đối diện cô gái đã hết xuân lại thiếu cả một trong nhiều món phụ tùng thiên nhiên cần thiết.
Văn Bình bước qua cửa cao ốc mà không tạt vào cũng không ngừng lại. Vì chàng vừa nhận thấy một cái xe hơi đen - trời đất, lại vẫn xe Mét-xê-đét bất hủ - đậu sát lề đường, cách tòa nhà một quãng ngắn.
Trên xe có người. Tuy kiếng xe được quay kín và nhuộm xanh, Văn Bình cũng thấy rõ hai người, một nam, một nữ. Ban đêm, đàn ông và đàn bà đậu xe trong bóng tối là việc quá thường. Kiểm tục Âu Châu không mấy nghiệt ngã đối với cái được chúng ta gọi là "công xúc tu sĩ "' nên sự hẹn hò nam nữ trên đường vắng càng quá thường hơn nữa.
Tuy nhiên, linh tính của Văn Bình lại ngầm bảo chàng "thận trọng, nên gia tăng thận trọng". Trước sự thúc giục của giác quan thứ sáu, Văn Bình bèn điềm nhiên đi thẳng, thay vì rẽ vào bin-đinh, trèo lên để đột nhập phòng Mai Lăng.
Khi chàng còn cách cốp xe Mét-xê-đét 5 mét, hai người ngồi trong xe, ở băng trước, bỗng xích lại gần nhau. Chàng sắp sửa vượt qua thì hai người này đã ngoan ngoãn quấn chặt lấy nhau. Văn Bình cười thầm, bước nhanh. Lối trai gái âu yếm như vậy nồng nặc mùi "cớm". Vả lại, con mắt chuyên viên của chàng liếc qua dây ăn-ten xe hơi đã khám phá ra ngay đây là ăn-ten điện thoại siêu tầng số của xe hơi tuần cảnh.
Văn Bình đành tiếp tục đến gót giầy đến cuối đường. Cuối đường là một ngã ba. Chiếc xe hơi đen vẫn nằm yên. Như vậy nghĩa là hai anh chị cớm không ngờ vực chàng. Có lẽ họ được lệnh canh gác trước nhà Mai Lăng. Mai Lăng đã bị lộ? Tại sao hắn bị lộ? Công an Thụy Sĩ dính vào vụ Mai Lăng với mục đích gì?
Dầu sao chăng nữa cũng phiền. Phiền ghê gớm. Sự nhúng tay vào của Công An - và biết đâu của cả Phản Gián Thụy Sĩ, một trong các sở Phản Gián bé hột tiêu từng được quốc tế ngã nón khâm phục từ sau thế chiến thứ hai - đang làm nội vụ đảo lộn. Họ đã ghé mũi vào là bí hiểm đến mấy họ cũng tìm ra. Họ rất lịch sự nhưng về khoản điệp viên ngoại quốc hoạt động trên đất họ, họ chẳng lịch sự chút nào. Họ còn tàn nhẫn nữa là khác, ông Hoàng - và cả ông nhà giàu C.I.A. nữa - đã mất cơ man tiên của và tâm huyết mới tạo dựng được hệ thống lấy tin và chuyển tin trên lãnh thổ trung lập tuyệt diệu này, mai đây tất cả sẽ bị phá hủy hoặc phải rút vào bóng tối, đối phương GRU và Quốc Tế Tình Báo sở tha hồ múa gậy vườn hoang... Bị hất chân ra khỏi Thụy Sĩ, ngã tư quan trọng bậc nhất của nền điệp báo thế giới, là một thảm hại hàng chục năm cũng vị tất ngóc đầu dậy được. Bởi vậy, chỉ thị của ông Hoàng cho các nhân viên hải ngoại là "không nên đụng tới Công An, Phản Gián Thụy Sĩ..."
Như thường lệ, Văn Bình đi đến ngã ba thì vòng lại, và tìm một đường tắt dẫn ra phía sau cao ốc. Cũng may, khu này không nuôi chó nên chàng lọt vào bên trong dễ dàng. Cái sân hậu được giành để tập trung đồ cũ, bàn ghế, vật dụng hư gẫy chất thành nhiều đống lớn, đâu đây mùi rêu mốc xông lên. Lớp rêu trên nền sàn gạch phải dày 5 phân tây là ít. Văn Bình trượt chân một vệt dài mà không gây tiếng động.
Qua khỏi cái sân thì đến cầu thang bê-tông. Văn Bình không sợ lộ diện vì sân hậu không có đèn sáng. Ngọn đèn ở dưới cầu thang lại quá ốm yếu, ánh trăng ngoài trời còn sáng hơn nhiều. Văn Bình áp mình sát tường để phân biệt động tĩnh. Biết chắc an toàn chàng mới từ từ trèo lên lầu.
Thụy Sĩ từng được du khách ngợi khen là sạch sẽ nhất nhì Âu Châu. Nhưng có lẽ khách chưa có dịp léo hánh đến tòa cao ốc của Mai Lăng. Mức độ sạch sẽ cửa nó giỏi lắm chỉ bằng các cao ốc của giới con Trời ở Chợ Lớn. Dĩ nhiên, có không có những đờm rãi trên đất, trên tường, dân Thụy Sĩ cũng không hỉ mũi lung tung, và đặc biệt là đàn bà Thụy Sĩ không biết ăn trầu bỏm bẻm và nhổ nước cốt đỏ hỏn khắp nơi. Nhưng nó vẫn bẩn không kém.
Vừa đặt chân lên những bậc thang thứ nhất, Văn Bình đã vướng phải mạng nhện. Nghiêng đầu sang trái, sang phải, quơ bàn tay ra, đâu đâu cũng thấy mạng nhện. Mạnh nhện rất kị muỗi, ấy thế mà muỗi túa ra hàng đàn. Mà giống muỗi này có an phận thủ thường cho cam! Chúng mở ngay hàng loạt các cuộc tấn công, vào bất cứ chỗ nào có thể tấn công được trên da thịt Văn Bình. Thậm chí có những con hùng hục chui vào tai, vào mũi và cả vào miệng chàng nữa.
Văn Bình không hiểu lý do nào đã sui khiến anh chàng đẹp trai mê gái Mai Lăng đến tòa nhà hoang phế này để thuê phòng... Tuy nhiên, sáu khi chui qua được phòng tuyền mạng nhện và đánh bại được những đợt kamikazê muỗi đói, Văn Bình vụt hiểu. Đây là cầu thang sau nhà, từ lâu không ai xử dụng.
Chàng lên đến lầu ba thì hai chân đã mỏi rừ. Bình thường cặp giò của chàng không hề biết mệt. Chàng dư sức chạy từ dưới nhà đại lữ quán Ca-ra-ven lên đến nhà ăn ở từng thứ mười một rồi chạy xuống, chạy lên chạy xuống, vèo vèo nhiều lần. Nhưng lần này, chỉ mới lên đến lầu ba chàng đã thở giốc. Nguyên nhân gây mệt có lẽ là mạng nhện và muỗi. Nguyên nhân thầm kín có lẽ là sự chán chường.
Chàng vẫn thường ví Giơneo với cô gái già chưa chồng hom hem và lụ khụ. Những việc xảy ra từ sau khi chàng đến đây càng làm cô gái già hom hem thêm và lụ khụ thêm. Trừ khi chàng là nhà sư tu gần chánh quả chàng mới không cảm thấy chán chường.
Văn Bình chưa dám ra khỏi vùng tối của cầu thang. Hành lang lầu 3 tương đối sạch sẽ và ngăn nắp, có sọt đựng rác và thùng cát hẳn hoi và đặt sát tường và không có mạng nhện loạn xị như ở dưới nhà. Nền gạch hoa cũng được lau chùi đàng hoàng, chứng tỏ ở tầng này có người ở. Chàng nép mình nghe ngóng vì chàng sợ bị chủ nhà bắt gặp.
Chiếc Mét-xê-đét đậu dọc lề đường với sợi dây trời dài lòng thòng không cho phép chàng cẩu thả. Có thể họ là Phản Gián Thụy Sĩ. Cũng có thể họ là phe đảng của Antôn. Dầu không thấy ai khả nghi, chàng cũng không dám nghênh ngang xô cửa phòng Mai Lăng.
Chàng bình tâm chờ đợi. Tiếng máy xe hơi từ dưới đường vọng lên, nghe xa lắc xa lơ. Ở Sàigòn, nhiều khi chàng đứng trên lầu 10 mà hai tai vẫn còn đầy âm thanh hỗn tạp và nhức nhối. Còn ở đây, tuy mới là lầu ba mà tiếng động cơ lại quá nhỏ, như thể ống sắp-măng được gắn bộ phận hãm thanh.
Sự tĩnh mịch của ban đêm làm Văn Bình chột dạ. Người ta đang rình rập chàng. Xuyên qua màn tối, chàng quan sát tứ phía.... Ánh đèn hành lang cũng khật khùng? không khác ánh đèn trong các hẻm lao động ở xứ "hòn ngọc Viễn Đông". Chàng không tin là hơi thắp bị yếu. Giơneo không phải là Sàigòn, nơi máy phát điện của Nhà Nước luôn luôn làm reo không báo trước, và ngay cả trong những ngày giờ sung sức tuyệt đối thiên hạ vẫn phải dùng suyệc-vôn-tơ nếu không muốn trở lại đời sống đèn dầu và đom đóm.
Những bóng đèn hấp háy trong cao ốc bẩn thỉu này chỉ có thể là cái bẫy ngon lành. Họ là ai, chàng chưa biết. Nhưng chàng có thể biết một điều. Đây là một "ổ chuột". Theo danh từ chuyên môn, ổ chuột là nơi Phản Gián gài ngầm nhân viên để chờ bắt những kẻ tình nghi hoạt động cho đối phương.
Văn Bình áp tai vào tường như vậy rất lâu. Hành lang chỉ gồm một giãy phòng. Đối diện dãy phòng là bức tường lớn không có cửa nhìn ra sân hậu.
Cửa phòng được đánh số từ trái sang phải, cả thảy có 5 phòng, phòng của Mai Lăng ở cuối bên trái, xế cầu thang xi-măng, và mang số 10. Con số 10 bằng chữ in đen sì trên nền cạt-tông trắng đập mạnh vào mắt Văn Bình. 10 là số bù, nghĩa là con số không lấy gì làm hên. Bói bài tây, gặp lá 10 thì trừ 10 chuồn họặc 10 rô, tựu chung chẳng tốt đẹp bao nhiêu. Lá 10 cơ khá xấu. Lá 10 bích còn tệ hơn nhiều. Văn Bình kỵ nhất "thằng cha" 10 bích. Chàng gọi lá này bằng tiếng "thằng cha" rẻ rúng, vì mỗi khi bói gặp nó chàng đều bất lợi.
Cơ tượng trưng cho tình yêu, vậy mà 10 bích kẹt giữa hai lá cơ lại là tình tan vỡ. Lá 10 bích còn báo hiệu cho sự tuyệt vọng và tang tóc. Định mạng đã treo con số 10 chết chóc trước mặt chàng. Da thịt chàng bỗng nhiên nổi vẩy ốc.
Giờ này đã khuya. Mọi gia chủ trong cao ốc khó có thể còn thức. Kể cả những con vạc thích ăn sương cũng đã quay về tổ ấm. Vì vậy Văn Bình không sợ gặp ai.
Song vành tai lịch lãm của chàng vẫn cả quyết là trong phòng mang số 10 có người. Người lạ. Và đang chờ chàng sau cửa. Qua là, cửa gỗ mỏng chàng nghe rõ tiếng thở không đều. Lối thở dài ngắn nặng nhẹ bất thường này xác định với chàng nếu kẻ đứng sau cửa là đối phương thì cũng chỉ là đối phương bậc trung. Đối phương chưa đủ tài nghệ cũng như trí tuệ để giao đấu nghiêng ngửa với chàng.
Chàng biết hắn đang ép mình bên cửa. Hắn không giỏi võ, thế tất hắn phải thủ sẵn khẩu súng trong tay. Trong hoàn cảnh này, chàng có thể chế ngự hắn dễ dàng. Chàng chỉ cần tung cánh cửa bật khỏi bản lề, và cánh cửa sẽ đè hắn ngã. Hoặc giả hắn còn loạng choạng chưa chịu đo ván thì chàng sẽ giải quyết chớp nhoáng bằng ngọn cước.
Nhưng chàng không muốn gây tiếng ồn ào. Sự hiện diện của chàng càng kín đáo chừng nào càng thuận lợi chừng nấy. Nghĩ thế, chàng bèn gõ cửa. Gõ lốc cốc ba tiếng ngắn, không nghe trả lời, chàng cố ý buột miệng:
Hắn đi vắng rối. Càng hay.
Lời nói của chàng cốt giành cho gã đàn ông trong phòng. Văn Bình biết hắn đang sung sướng như mở cờ trong bụng. Bằng chứng là hơi thở của hắn gấp gấp hơn, tim hắn đập nhanh và mạnh hơn.
Văn Bình rón rén vặn quả nắm đồng.
Cửa không khóa nên được mở ra ngay. Tòa nhà có vẻ bỏ hoang, dung mạo nhớp nhúa, nhưng cánh cửa được mở ra êm ái, thật êm ái như thể nó được đặt trên bánh xe và được chùi dầu thường xuyên.
Văn Bình thản nhiên bước vào.
Và như chàng đoán từ trước, chàng được tiếp rước bằng một họng súng kề bên hông. Ngoại trừ những tay mơ trong nghề, hoặc những ông cò dựa hơi súng để bắt giữ bọn du đãng yếu như sên, ngày nay không còn ai lưu luyến với phương pháp dí súng vào mạng sườn đối phương nữa. Vì hăm dọa cách ấy khác nào mời đối phương rón lấy khẩu súng và chuyển thủ thành công.
Đứng yên, đứng yên, giơ tay lên.
Đối phương nói bằng tiếng Đức trơn tru. Hắn đúng là dân Thụy Sĩ. Văn Bình không thèm nhìn hắn song chàng vẫn biết hắn thấp hơn chàng một cái đầu, căn cứ vào họng súng chĩa vào hông chàng. Bọn đàn ông cao lớn hơn trăm ký thịt, học rụp xương trong các võ đường nổi danh quốc tế cũng vị tất khuất phục được điệp viên z.28 huống hồ hắn chỉ là đàn em về mọi phương diện.
Tuy vậy chàng vẫn đầu hàng nhanh như tốc độ tối đa của xe đua xì-gà Ferrari. Chàng ngoan ngoãn chắp hai bàn tay lên đầu, và xây mặt về phía đối phương.
Cách phục sức của đối phương chứng tỏ hắn là "cớm" chính hiệu. Mũ dạ, vành mềm, kéo xuống tận mắt. Áo ba-đờ- suy mỏng, may theo kiểu áo mưa, tuy trời không lạnh lắm và cũng không mưa. vẻ mặt lạnh lùng và gân guốc. Dáng điệu bí mật. Trong những năm gần đây, nền Công An điệp báo đã tiến vượt bực, kỹ thuật tối tân trở nên thông dụng, vậy mà phần lớn các cơ quan cớm nội bộ - nếu không nói là hầu hết - vẫn chưa đoạn tuyệt với những lầm lỗi cúa quá khứ, đặc biệt về phương diện phục sức. Trước đại chiến thứ hai, cớm ăn mặc thế nào thì ngày nay, hơn một phần tư thế kỷ sau, cớm vẫn ăn mặc thế ấy. vẫn mũ dạ vành mềm kéo xuống tận mắt, áo ba-đờ-suy mỏng, vẻ mặt lạnh lùng, gân guốc và dáng điệu bí mật.
Gã đàn ông trạc 35, đội mũ dạ, mặc ba-đờ-suy, thủ khẩu Luger ngon lành, đứng cạnh khung cửa, là nhân viện Phản Gián Thụy Sĩ mặc dầu hắn chưa xưng tên cũng như xuất trình thẻ hành sự. Văn Bình nhún vai, chào he-lô bằng Anh ngữ đoạn hỏi:
Phản Gián?
Gã đàn ông hơi biến sắc mặt. Hắn lùi lại một bước để có thể bắn trúng đích và đề phòng khỏi bị đoạt súng.
Phải. Yêu cầu anh tiến lên ba bước. Và ngồi xuống ghế. Cái ghế xa-lông lót nỉ đỏ ấy.
Văn Bình cười:
Cám ơn. Tôi đang mỏi chân. Được anh cho ngồi nghỉ trong ghế lò so thì tuyệt.
Cao ốc này có bộ mã ngoài ọp ẹp, dơ dáy, nhưng phía trong lại rắn rỏi, và sạch sẽ khác thường. Tường phòng được quét vôi màu vàng nhạt, trần bằng màu pát-ten, màu khá đĩ. Bộ sa-lông lùn, nhỏ, kê dạt một bên góc gồm nhiều màu khác nhau, tất cả đều sặc sỡ nhưng rất hòa hợp với nhau. Trên tường chỉ treo một bức họa. Không phải bức họa mỹ nữ trần truồng, như thường thấy trong nhà những gã đàn ông lang bạt chưa lập gia đình. Mà là một bức họa tĩnh vật. Cũng lai láng màu sắc và ánh sáng. Đồ đạc không nhiều, song khách vẫn cảm tưởng là chưng diện rất nhiều. Sự kiện này cho Văn Bình thấy Mai Lăng là anh chàng "chịu chơi" về nghệ thuật trang trí.
Hắn là người "chịu chơi" nên bộ xa-lông của hắn thuộc loại gắn lò-so thật tốt. Chủ nhân trên 30, quen sống về đêm, và bắt đầu mang bệnh đau lưng thường có thiện cảm đặc biệt với lò-so. Giường gắn lò-so. Xa-lông gắn lò-so. Văn Bình thả hơn 70 ký xương thịt xuống ghế một cách khoan khoái thật tình. Gã cớm Thụy Sĩ lia miệng súng, giọng khinh bạc:
Ngồi như vậy chưa được.
Văn Bình giả vờ ngạc nhiên:
Vậy anh muốn gì nữa?
Tiếp tục giơ tay lên.
Ừ thì giơ tay. Nhưng mỏi thấy mẹ.
Chịu khó một lát, về xà-lim, anh sẽ được ngủ tha hồ. Xà-lim ở đây tiện nghi lắm, chứ không cực khổ đâu, anh đừng ngại.
Anh nhốt tôi về tội gì?
Thú thật với anh, tôi chỉ là cấp thừa hành, xếp của tôi đang chờ dưới đường, xếp dễ thương lắm; nếu anh hỏi chắc xếp sẽ nói. Nhưng anh đã biết quá còn gì... Phản Gián Thụy Sĩ không bắt lầm đâu.
Lần này các anh bắt lầm.
Rồi anh sẽ phân bua với xếp. Tôi chỉ có nhiệm vụ đưa anh vào xa-lông rồi gọi vô tuyến cho xếp lên, mời anh về phòng thẩm vấn. Vả lại... chỗ đồng nghiệp cả mà, đòn phép nhau làm gì nữa anh? Anh có biết chủ nhân căn phòng này là ai không?
Không. Thấy không có ai gác, tôi lẻn vào. Toan làm một mẻ. Chẳng giấu gì anh, tôi túng bấn quá.
Đánh bạc thua?
Cũng gần như vậy. Đàn ông ai lại chẳng chơi bời, bê tha, phải không anh? Tôi chẳng may vướng vào một cô bé thèm tiền quá độ...
Thôi cha... may ra tôi mù luôn hai mắt tôi mới tin được lời nói của cha. Cha đẹp trai như thế này, tôi đực rựa trăm phần trăm lại không mắc bệnh đồng tình luyến ái mà cũng mê cha kinh khủng, huống hồ bọn đàn bà con gái của cái xứ đồi núi quạnh quẽ tuyết lạnh buốt xương này... tôi xin cha, đàn bà con gái nước tôi phải bao tiền cho cha thì có. Cha là quận quân về xạo. Nhưng cha yên tâm, nếu thượng cấp phăng ra cha không có tội sẽ cho đớp hít một bữa no nê rồi tống lên xe lái ra biên giới thôi, chứ không tra khảo hoặc bắn bỏ đâu.
Gã nhân viên Phản Gián nói thật. Tội dọ thám ở Thụy Sĩ thường bị trục xuất ra khỏi xứ. Tuy nhiên, hắn chỉ nói thật một nửa. Phản Gián ở đây không tra khảo hoặc bắn bỏ nhưng nghiệt ngã và đắc lực hơn nhiều. Thà bị tẩm quất thừa sống thiếu chết hoặc ăn kẹo đồng mà hơn....
Văn Bình đã biết điều chàng muốn biết. Lẽ ra chàng phải bịt miệng hắn bằng atémi. Song chàng lại ngồi yên. Gã nhân viên Phản Gián rút máy vô tuyến talkie-vvalkie nhỏ như cái quẹt máy ra, dí miệng vào nói chuyện với cấp trên của hắn đợi trong chiếc Mét-xê-đét sơn đen dưới đường.
Đoạn hắn bắt chước chàng buông phịch xuống ghế lò so. Hắn chưa đặt được mông đít thì Văn Bình đã co chân tống một ngọn cước. Hắn vừa nẩy lên, cái đá của Văn Bình đã thọc trúng bao tử. Hắn kêu "hự" một tiếng rồi ngã ngửa trong ghế xa-lông rộng thênh thang. Ngọn độc cước của Văn Bình khá mạnh nên cái ghế bành nặng nề đồ nghiêng sang bên, nạn nhân chúi mũi xuống sàn gạch. Hắn nằm sóng soài, mặt tuôn đầy máu.
Văn Bình nghe tiếng giầy cộm cộp trên cầu thang. Chàng khép hờ cửa phòng và khoan thai chờ đợi. Một phút sau, cửa phòng mở toang. Chàng đối diện với một thanh niên kẻng trai, tóc quắn, đeo kiếng cận thị, mặc com-lê xám có sọc nhỏ màu đỏ nhạt, cà-vạt vàng to bản kiểu mới Ba Lê. Tóm lại, thanh niên mới ló đầu qua cửa và được gọi là xếp sòng Phản Gián chẳng có nét nào là cớm chuyên nghiệp cả. Ngoại trừ tấm thân thon rắn. Chứng tích của nhiều năm tháng khổ công luyện tập. Đặc biệt là bàn tay. Bàn tay thạo karatê nên lớn quá khổ, cạnh dày cộm. Hắn lãnh chức lớn cũng không quá đáng.
Hắn nghênh ngang tiến vào, miệng oang oang:
Đâu, đâu, nó ở đâu?
Văn Bình giơ tay chào theo kiểu nhà binh "ba gai":
Đây. Hân hạnh được quen xếp.
Gã xếp Phản Gián khựng người, suýt rớt cặp kiếng gọng vàng sang trọng. Cặp mắt kiếng này bị vỡ thì thật uổng, vì nó là kiếng Varilux, một loại tối tân vừa được phát minh, đặc điểm là nhìn xa, nhìn gần đều thuận tiện. Trên 40 tuổi, nghĩa là tuổi phải đeo kiếng viễn, kiếng lão, để đọc sách và kiếng nhìn xa, thì phát minh Varilux này có giá trị của vị cứu tinh. Người ta chỉ cần đeo một cặp Varilux, chứ không phải kè kè hàng đống kiếng viễn, kiến cận trong mình. Tuần trước, chàng đã đích thân đến tiệm kiếng lớn nhất Ba Lê đặt một cặp Varilux cho... ông Hoàng. Đối với người Việt, đó là một xa xí phẩm. Và là một tiện nghi tân kỳ. Vậy mà một anh xếp cà mèng Thụy Sĩ đã có tiền chưng diện kiếng cận viễn hỗn hợp Varilux. Nếu hắn không xài mắt kiến đắt tiền này có lẽ Văn Bình đã gượng nhẹ đến mức tối đa. Bỗng dưng chàng ghét hắn thậm tệ. Hắn há miệng, chưa kịp thốt tiếng nào thì trái thôi sơn của Văn Bình đã vèo ra.
Bị đánh trúng cằm, hắn xính vính. Hắn lắc lư mấy cái như người lên đồng rồi xụm xuống đất.
Văn Bình lục túi hắn xem xét. Chàng không sửng sốt khi thấy tấm thẻ bọc nhựa nhỏ bằng ba ngón tay cất trong ví da cá sấu căng phồng giấy bạc. Tấm lát-tích này là bùa hộ mạng của nạn nhân. Hắn mang cái tên không kêu nhưng rất khó nhớ. Chắc gốc hắn là người Đức. Người Đức thường mang những cái tên khó đọc nhất nhì thế giới. Nơi mục "chức vụ" có một giòng chữ đen nhỏ: Thẩm sát viên nội an.
Sở Phản Gián Thụy Sĩ luôn luôn kín miệng về các hoạt động bài trừ dọ thám trên lãnh thổ, nhưng Văn Bình - cũng như các điệp viên đàn anh từ Đông sang Tây - đã biết họ phân chia làm 4 ban, mỗi ban phụ trách một vùng, phù hợp với 4 vùng nói tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý và tiếng Romansh bản xứ. Nhân viên Phản Gián tập trung nhiều nhất tại 2 vùng nói tiếng Đức và tiếng Pháp. Trong vùng nói tiếng Đức có 2 thị trấn quốc tế mà dân do thám thường hay đến, Du-rích (Zurich )và Béc.
Nhưng về phần quan trọng thì vùng nói tiếng Pháp quan trọng hơn. Quan trọng hơn với thị trấn Giơneo. Các cơ sở đại diện ngoại giao và chính trị thế giới đều ở đấy nên giới điệp báo hoạt động mạnh là chuyện dĩ nhiên. Bạn Phản Gián ở Giơneo gồm khoảng mươi mười lăm thẩm sát viên nội an là cùng. Nạn nhân đang nằm mọp trước mắt chàng phải là thẩm sát viên cừ khôi. Dầu chàng không chủ tâm, họ sẽ không tha chàng. Trót đâm lao, phải theo lao, chàng đành phải tàn nhẫn...
Chàng thu hết giấy tờ của hai nạn nhân, bỏ vào túi, lau dấu tay trong phòng trước khi đánh atémi. cả hai đã nhớ mặt chàng, chàng không thể cho họ trở về trụ sở. Trong đời, nhiều lần chàng phải giết oan như vậy, và sau mỗi lần chàng vẫn nhủ lòng sẽ không bao giờ tái diễn. Nhưng nước cứ tiếp tục chảy xuôi và người làm nghề gián điệp cứ phải giết mặc dầu không muốn giết.
Văn Bình ngần ngừ một lát rồi bước xuống cầu thang đầy mạng nhện và muỗi đói. Chàng ngần ngừ vì đang còn một nhân viên Phản Gián chờ trong xe dưới đường, đã giết 2 chàng không thể giết tên thứ 3 còn lại. Nhưng chàng lại không xuống nhà bằng cầu thang đá rửa diêm dúa phía trước. Điệp báo là nghề tàn nhẫn nhất của con người, song chàng chỉ có thể tàn nhẫn đến như đêm nay là cùng. Sớm muộn tên thứ 3 cũng phăng ra hai đồng nghiệp bị hạ sát. Sớm muộn hắn sẽ trình nhà chức trách. Và sớm muộn Công An Phản Gián Thụy Sĩ sẽ tổng
Bình luận
Tweet